Khí CO không màu, không mùi, không vị nhưng lại cực kỳ nguy hiểm đối với con người. Nếu nạn nhân không được phát hiện và sơ cứu kịp thời thì nguy cơ tử vong là rất cao. Trong bài viết hôm nay, chúng tôi xin chia sẻ đến các bạn cách sơ cứu và phòng tránh ngộ độc khí CO, để chúng ta có thể bảo vệ sức khỏe và tính mạng của chính mình và những người xung quanh.

Tìm hiểu chung về ngộ độc khí CO

Xem thêm : Ô Nhiễm Không Khí, Nguyên Nhân Và Cách Phòng Tránh

Ngộ độc khí CO là gì ?

CO – Carbon monoxide là loại khí độc không màu, không mùi, không vị và không gây kích ứng mũi và họng nhưng lại cực kỳ nguy hiểm. Các nguồn ngộ độc khí CO được tìm thấy phổ biến như: 

  • Trong hệ thống lò sưởi.
  • Bếp lò đốt bằng gỗ hoặc than và đốt dầu hỏa.
  • Máy phát điện chạy bằng xăng dầu. 

Nguy cơ bị ngộ độc khí carbon monoxide sẽ tăng cao nếu như sử dụng các thiết bị trên trong một không gian kín và không có thông khí. Ngoài ra, khí CO còn được tìm thấy nhiều trong các vụ hỏa hoạn.

Khi hít phải khí CO có thể làm giảm khả năng hấp thụ khí oxy vì CO có ái lực với Hb trong máu lớn hơn là với oxy. Từ đó khiến máu không còn khả năng vận chuyển oxy hay nói cách khác là oxy khó đến được các mô cơ thể hơn. Tình trạng này làm các tế bào và mô chết dần.

Dấu hiệu của nạn nhân bị ngộ độc khí CO

  • Ban đầu, nạn nhân chỉ có các triệu chứng tản mạn và không đặc hiệu. 
  • Ngộ độc nhẹ sẽ thấy đau đầu, buồn nôn, chóng mặt.
  • Ngộ độc vừa nạn nhân thấy đau ngực, nhìn mờ, khó tập trung, mạch nhanh, thở nhanh, hoại tử cơ, thất điều.
  • Ngộ độc nặng thấy đau ngực, hồi hộp, co giật, hôn mê, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, thiếu máu cơ tim, bỏng da. Bệnh nhân có thể bị tím ở môi và các đầu ngón tay, ngón chân; tay chân sưng đau; nước tiểu sẫm màu, đỏ và ít dần.

Trong trường hợp hít phải hàm lượng khí CO cao có thể tử vong chỉ trong vài phút. Đặc biệt nguy hiểm với người đang ngủ hoặc say xỉn có thể tử vong mà không có bất kỳ triệu chứng nào.

Cách sơ cứu nạn nhân ngộ độc khí CO

Người bị ngộ độc khí CO ở trong không gian kín, cần nhanh chóng mở các cửa và khẩn trương đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nhiễm độc. Đồng thời, nhanh chóng đưa đến cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất để được xử lý và điều trị kịp thời.

Nếu bệnh nhân thở yếu hoặc ngừng thở, phải tiến hành ngay việc thổi ngạt bằng hô hấp nhân tạo miệng – miệng hay miệng – mũi. Nếu nạn nhân bất tỉnh thì đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở tư thế an toàn rồi vừa hà hơi thổi ngạt, vừa nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Cách phòng tránh ngộ độc khí CO

Xem thêm tin tức khác : Kỹ Năng Thoát Hiểm Khi Có Cháy

Để phòng tránh ngộ độc khí CO, chúng ta cần thực hiện những biện pháp sau đây:

  • Không sử dụng bếp gas, lò sưởi hay bếp đun bằng than trong nhà vì đây chính là những nguồn sản sinh ra khí CO và tích tụ trong nhà của bạn.
  • Không chạy máy phát điện trong không gian hẹp và kín.
  • Các đường dẫn ống khí thải cần được kiểm tra định kỳ. Nếu có vấn đề rò rỉ, cần được khắc phục ngay. 
  • Khi khởi động bất kỳ thiết bị nào như xe máy, xe ô tô thì nên mở cửa nhà xe thông thoáng, không chạy trong một gara đóng kín cửa.
  • Lắp đặt các thiết bị cảnh báo khí CO trong nhà và tại nơi làm việc, để phát hiện sự tồn tại của khí CO từ khi còn sớm.
  • Nếu nghi ngờ có khí CO trong nhà, nhanh chóng đeo mặt nạ phòng khói nếu có, làm thông thoáng căn nhà bằng cách mở cửa sổ ra. Đồng thời di tản người trong nhà đến khu vực khác an toàn.

Ngộ độc khí CO là vô cùng nguy hiểm, nếu bạn nhận thấy người thân có bất kỳ dấu hiệu nào của ngộ độc khí CO trên đây thì thì cần đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất, để xử trí kịp thời. Bảo hộ Nam Trung chúc các bạn và những người thân thương luôn dồi dào sức khỏe!